Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lúc thịnh lúc suy, song với nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống của ông cha để lại, làng nghề mộc Áng Phao, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội chưa bao giờ thiếu đi âm thanh vang vọng của tiếng đục, tiếng cưa, tiếng bào cũng như cảnh mua bán nhộn nhịp. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm nhà gỗ truyền thống nguyên bản cùng các sản phẩm đồ gỗ dân dụng được biết đến rộng rãi khắp miền Bắc. Hãy cùng TOPnoithat đi khám phá nét đẹp truyền thống của làng nghề mộc Áng Phao – Thanh Oai, Hà Nội.
Xã Cao Dương – một miền quê có truyền thống lịch sử văn hoá cách mạng, nằm ở phía nam huyện Thanh Oai. Với vị trí địa lý tương đối thuận lợi, có dòng sông Đáy chảy qua. Phía Bắc giáp xã Phương Trung; phía Nam giáp xã Hồng Dương; phía Đông giáp xã Dân Hoà; phía Tây giáp xã Xuân Dương. Có đường thành lộ 429 chạy theo hướng Bắc Ba Thá – Mía Môn tạo nên hệ thống giao thông khá thuận lợi.
Cao Dương là xã thuần nông của huyện Thanh Oai, toàn xã có 7 thôn. Trong đó, làng nghề mộc Áng Phao nổi lên như một điểm sáng bởi đã phát triển nghề mộc cha ông để lại thành công trong thời kỳ đổi mới.
Áng Phao là ngôi làng có số hộ, nhân khẩu lớn nhất xã Cao Dương. Hiện nay, làng có tới 700 hộ dân thì trong đó 50% hộ đang theo nghề mộc; với khoảng 30 xưởng sản xuất có quy mô lớn. Đây không chỉ là nghề truyền thống của làng Áng Phao mà còn giúp rất nhiều người lao động gần ở các vùng lân cận có công việc ổn định.
Năm 2005, làng nghề mộc Áng Phao vinh dự nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống Hà Nội.
Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là đồ gỗ dân dụng như: bàn ghế, sập, tủ, bàn thờ, tượng gỗ, đồ thờ cúng… Nhưng sản phẩm giúp làng nghề Áng Phao nổi tiếng khắp các vùng lại là nghề làm nhà gỗ. Người thợ Áng Phao luôn đề cao chữ tín trong sản phẩm, lấy chất lượng sản phẩm làm thông điệp thu hút khách hàng. Vì vậy, lượng khách hàng lựa chọn sản phẩm của làng nghề ngày càng tăng.
Trong thôn, nghề mộc chia theo hướng, một phần thợ trong làng chuyên tâm nghề theo hướng xây dựng các ngôi nhà truyền thống theo kiểu cổ hoặc hiện đại, phục chế và làm mới đình, chùa, miếu, nhà thờ… nguyên bản, số còn lại tập trung sản xuất đồ mộc dân dụng cao cấp, đồ thờ cổ, tượng sơn son thếp vàng. Những sản phẩm từ bàn tay khéo léo của người thợ nơi đây tạo ra rất đa dạng và phong phú với đường nét kỹ thuật, chạm khắc tinh xảo đã có chỗ đứng trên thị trường, tạo được tiếng vang xa.
Việc có nhiều khách hàng từ nơi xa lặn lội tìm đến Áng Phao đặt hàng hay mời thợ về làm đã không còn xa lạ đối với người thợ nữa. Vào mùa làm nhà, làng vắng hẳn đi bởi đã có gần nửa số người trong làng được đón đi để dựng nhà. Mỗi căn nhà gỗ có giá trị hàng trăm triệu đồng thậm chí có những ngôi hàng tỷ đồng. Chính vì vậy, mà thu nhập của thợ dựng nhà khá cao. Tài dựng nhà của thợ mộc Áng Phao đã được công nhận. Bên cạnh đó là sự phát triển không kém của cánh làng nghề theo hướng thứ hai. Công việc không đòi hỏi đi xa nhiều như thợ dựng nhà song về độ lành nghề, trình độ kỹ thuật, sự tinh tế thì chẳng kém chút nào.
Theo các phó cả ở làng nghề Áng Phao, để làm ra một sản phẩm đẹp, hoa văn tinh xảo khiến người tiêu dùng lựa chọn, đưa vào sử dụng thì ngay từ khâu đầu tiên lựa gỗ đến khâu cuối cùng là sơn thành phẩm đều yêu cầu người thợ phải làm việc hết sức nghiêm túc và có con mắt lành nghề. Trước tiên là khâu chọn gỗ, phải chọn gỗ săn, chắc, phù hợp với từng sản phẩm… như thế sẽ tạo độ bền sản phẩm; tiếp theo là pha gỗ theo những kích thước, kích cỡ quy định rồi mới tạo mẫu vẽ trên gỗ. Đây là công đoạn khá quan trọng, người thợ phải có sự sáng tạo cao vì tất cả mẫu vẽ với hoa văn, hoạ tiết trang trí đều không theo một mẫu nhất định nào cả mà hoàn toàn do người thợ tự thiết kế, mẫu vẽ đòi hỏi phải độc đáo, mới lạ. Sau khi hoàn thành xong mẫu vẽ, gỗ được đưa vào vanh lại, cắt bỏ bớt phần dư thừa rồi mới đưa vào đục. Và đến công đoạn cuối cùng là sơn, tạo mầu cho sản phẩm. Ở bước cuối này người thợ phải đảm bảo sơn đủ 7 lớp sơn: 3 lớp sơn lót, một lớp sơn cầm, 1 lớp thiếp bạc và 2 lớp sơn làm màu, có như vậy màu mới bóng, đạt chuẩn. Và thợ nghề cánh này thường nhận những hợp đồng sản xuất mới hay phục chế lại tượng, của võng, hoành phi, câu đối… ở các đình, chùa.
Khoảng 5-6 năm trở lại đây, xu hướng xây dựng nhà cổ tại làng quê ngày càng phổ biến. Đời sống người dân khấm khá hơn, người ta bắt đầu nghĩ đến những thiết kế mang tính cổ xưa, yên bình nên nhà cổ rất được ưa chuộng. Khách tìm đến Áng Phao để đặt hàng xây dựng nhà cổ ở khắp các tỉnh thành phía Bắc: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên,… Họ chọn đến Áng Phao bởi cái uy tín và tay nghề của người thợ mộc nơi đây đã được khẳng định qua nhiều thế hệ.
Mỗi người thợ của làng khi tham gia vào mỗi công trình sẽ luôn đặt cái tâm lên hàng đầu. Ngoài tay nghề điêu luyện; người thợ Áng Phao sẽ đưa ra những cải biên mới về mẫu mã để ngôi nhà vẫn giữ được nét cổ kính mà vẫn “hợp thời”. Kết hợp với việc tư vấn cho gia chủ những loại gỗ phù hợp để dựng nhà;
Theo những người thợ lâu năm của làng chia sẻ: “Những loại gỗ thường được lựa chọn kỹ; để giúp gỗ hạn chế bị mối mọt sẽ là gỗ sến, Tuy nhiên; loại gỗ này sẽ có giá thành hơi cao. Ngoài ra; với mức giá tầm trung thì gỗ xoan sẽ là lựa chọn hàng đầu; bởi sau khi sử dụng các biện pháp chống mối mọt chất lượng gỗ sẽ được nâng cao.”
Bên cạnh đó, đường nét hoa văn sẽ được đục bằng tay và không được đục bằng máy để tạo nên những chi tiết có “hồn” nhất. Những đường nét mang tính nghệ thuật cao; cùng với đó là sự tỉ mỉ trong từng chi tiết.
Bởi vậy có thể thấy được; ngoài kinh nghiệm lâu năm được truyền lại từ cha ông; để tạo nên những ngôi nhà cổ độc đáo và đạt chuẩn; thì việc lựa chọn gỗ liên quan sẽ quyết định đến tuổi thọ của ngôi nhà; cùng với đó là tay nghề của chính những người thợ trực tiếp tham gia sản xuất. Chính vì vậy; bằng những kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình làm việc; người thợ Áng Phao sẽ sử dụng nó để giúp khách hàng của mình lựa chọn được loại gỗ phù hợp với nhu cầu. Có lẽ chính sự thấu hiểu này cũng là lý do khiến nhiều khách hàng tìm đến với làng nghề mộc truyền thống Áng Phao.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự trợ giúp của máy móc hiện đại. Ngày nay, công việc của những người thợ mộc Áng Phao bớt trở nên nặng nhọc và năng suất được cao hơn. Thế nhưng không vì thế mà sản phẩm mất đi giá trị. Những đường nét đục chạm trên đồ thờ cúng hay trên những sập gụ, tủ chè vẫn còn đó, nguyên giá trị và ngày càng tinh xảo hơn bởi bàn tay của người thợ Áng Phao.
Nhờ biết phát huy nghề mộc truyền thống do cha ông để lại mà đời sống người dân quê hương Áng Phao đã được nâng cao. Cả làng hiện có 700 hộ thì hơn 50% hộ theo nghề mộc. Số lượng xưởng sản xuất có quy mô lớn trên dưới 30 xưởng, thu hút hàng trăm lao động của địa phương. Thu nhập bình quân của mỗi tay thợ được từ 5-6 triệu đồng/tháng, những người có tay nghề cao có thể thu nhập 400.000 – 500.000 đồng/ ngày. Xác định vai trò quan trọng của làng nghề đối với kinh tế – xã hội của địa phương, Đảng bộ, chính quyền xã Cao Dương đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tạo thuận tiện cho các hộ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Hàng năm, xã tổ chức các lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho lớp thợ kế cận. Mặc dù đã có thị trường tốt, tuy nhiên, làng nghề mộc Áng Phao hiện vẫn còn khá nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Bởi nghề mộc cần nguồn vốn tương đối lớn và mặt bằng rộng để sản xuất và tập kết nguyên liệu nhưng hầu hết các hộ sản xuất hiện nay đều thiếu cả 2 điều kiện này. Hiện tại, đa số các hộ phải tận dụng khuôn viên nhà ở để làm nơi sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh hoạt của người dân xung quanh.
Với sự đồng lòng trên dưới của nhân dân và chính quyền, làng nghề mộc Áng Phao đang thực sự chuyển mình, góp phần tô điểm thêm diện mạo ngày càng tươi đẹp hơn của quê hương Thanh Oai và điều đáng nói hơn cả là làng nghề mộc Áng Phao đang tự tin phấn đấu đến với danh hiệu làng nghề truyền thống.
(Nguồn: Sưu tầm)